Quay lại

“Ngôi nhà thứ hai” – Hoàn thiện ước mơ của người Việt

Nhà ở không chỉ hiện hữu bởi giá trị vật chất mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần, tình cảm của con người. Mỗi ngôi nhà có đời sống riêng của nó, bao hàm những câu chuyện và triết lý khác nhau. Ngôi nhà có thể ví như một bức tranh phản ánh chân dung, quan điểm sống, văn hóa và mơ ước của chủ nhà. Tuy nhiên, những điều kiện khách quan như hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống, mật độ dân số… dẫn đến những công trình nhà ở trong các khu đô thị mới không thể hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của con người về một không gian sống lý tưởng. Bởi vậy, trong giai đoạn mười năm trở lại đây, có thể nhận thấy xu hướng sở hữu “ngôi nhà thứ hai” – một chốn ở thường xuyên vào cuối tuần đang dần trở nên phổ biến với tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Xu hướng thiết kế kiến trúc – nội thất của những công trình thuộc thể loại nhà ở cuối tuần cũng rất đa dạng, nhiều đặc thù và phản ánh rõ rệt thang nhu cầu ở mức cao hơn về thẩm mỹ và cá tính so với nhà ở thông thường.

*ảnh*

Cùng với tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân của người Việt Nam từ năm 2010 đến nay, chất lượng nhà ở trong các khu đô thị mới, trung cấp hoặc cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đang dần được cải thiện đáng kể. Các giải thưởng kiến trúc hạng mục nhà ở đã cho thấy nhiều hướng đi tiến bộ, có bản sắc trong kiến trúc nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thể khẳng định mặt bằng chung chất lượng không gian sống tại các đô thị lớn ở Việt Nam mới dừng lại ở tiêu chí thiết yếu tối thiểu và vẫn còn khoảng cách khá xa với chất lượng sống các nước phát triển. Do những vấn đề “nóng” của đô thị như: Quỹ đất ngày một thu hẹp, giá bất động sản ngày một đắt đỏ, bối cảnh xã hội, nhịp sống nhanh… dẫn đến thực trạng phần lớn nhà ở đô thị thực hiện vai trò là không gian cơ bản để ngủ, nghỉ, tái tạo năng lượng lao động cho con người đô thị. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây, mơ ước về một ngôi nhà kết hợp không gian ở và hoạt động nghỉ dưỡng sinh thái đang dần trở thành hiện thực với nhiều tầng lớp trung lưu của người Việt.

Khái niệm “ngôi nhà thứ hai” trong bài báo này muốn giới hạn đến dạng nhà ở nông thôn và biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần ngoại thành, không bàn sâu đến khía cạnh giá trị đầu tư và kinh doanh mà chủ yếu tập trung vào các vấn đề của kiến trúc – nội thất và những giá trị tinh thần mà nó mang lại. Với nhiều gia đình Việt, việc đầu tư bất động sản thứ hai có thể đã hoàn thành từ nhiều thập kỷ trước, xu hướng tìm đến một “ngôi nhà thứ 2” theo đúng nghĩa thực sự mới đang dần hình thành trong những năm gần đây. Nếu như các khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung nhiều ở các TP ven biển và các địa điểm du lịch nổi tiếng, các biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần (ngôi nhà thứ hai) thường tập trung ở các vùng vệ tinh xung quanh các đô thị lớn với cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, sông, hồ hoặc biển và thuận tiện đi lại đến nơi ở chính. Các dạng dự án nhà ở biệt thự cuối tuần có hai dạng chính. Nhóm thứ nhất gồm các biệt thự xây đơn lẻ trong các khu ở nông thôn hoặc khu sinh thái trồng rừng, hoặc các thành phố vệ tinh ven biển. Bên cạnh nhiều dự án khá thành công, phần lớn dự án biệt thự đơn lẻ rất dễ bị rơi vào tình trạng thiết kế tự phát, thiếu kế hoạch tài chính và định hướng sử dụng dài hạn. Nhóm thứ hai gồm các biệt thự nghỉ dưỡng nằm trong các quần thể dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Dưới sự ảnh hưởng của bong bóng bất động sản, nhiều biệt thự xây hàng loạt trong các dụ án du lịch sinh thái, tuy đạt được sự đồng bộ về hạ tầng và cảnh quan, dịch vụ, các biệt thự xây hàng loạt lại dễ bị rơi vào tình trạng không phù hợp nhu cầu sử dụng của từng gia đình, đơn điệu hoặc lệch lạc về ngôn ngữ thiết kế, thiếu cá tính và thiếu bản sắc. Bài báo này mong muốn làm rõ một số vấn đề về nhu cầu công năng, thẩm mỹ và đề xuất các giải pháp cho đinh hướng thiết kế kiến trúc, nội thất cho biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần.

Trước hết, cần bàn luận đôi chút về nhu cầu của con người với không gian ở thiết yếu và không gian ở kết hợp nghỉ dưỡng. Theo nhà tâm lý học người Mỹ – Abraham Maslow (1908-1970), nhu cầu của con người được liệt kê theo một trật tự của hệ thống cấp bậc có cấu trúc tháp gồm 05 tầng. Tầng thứ nhất là những nhu cầu cơ bản nhất thuộc về “thể lý” (physiological) gồm thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi. Những tầng cao hơn tương ứng lần lượt thể hiện những nhu cầu của con người về sự an toàn (tầng thứ 2); nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (tầng thứ 3); nhu cầu được quý trọng, kính mến (tầng thứ 4) và nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao- muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt (tầng thứ 5).

*ảnh*

Nhu cầu về chốn ở của con người diễn ra theo nhiều tầng bậc, có thể phân chia thành 03 tầng:

· Tầng thứ nhất – Nhu cầu thiết yếu: Là nhu cầu sinh học (ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh) và nhu cầu an toàn (sức khỏe, an ninh, gắn bó gia đình, bạn bè và cộng đồng);

· Tầng thứ hai – Nhu cầu hoàn thiện cuộc sống: nghỉ ngơi, giải trí, khám phá và nhu cầu được xa hội công đồng ghi nhận;

· Tầng thứ ba – Nhu cầu thể hiện và khẳng định cá tính: sau những tầng nhu cầu cơ bản được thực hiện, ước mơ cao nhất của con người với không gian sống sẽ thể hiện được bản ngã của mỗi cá nhân. Ước mơ và nhu cầu tầng thứ ba rất đa dạng, có thể mang tính chủ quan, tùy thuộc vào tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, mức thu nhập và thẩm mỹ của từng cá nhân. Tuy nhiên, thước đo quan trọng nhất tầng thứ ba chính là tính sáng tạo, tính văn hóa và thẩm mỹ không gian ở.

Xu hướng sống và làm việc ở đô thị và sở hữu biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần đã xuất hiện ở các nước phát triển Châu Âu và Mỹ từ đầu thế kỷ 20. Một ví dụ kinh điển của sự sáng tạo và thẩm mỹ kiến trúc nhà ở cuối tuần kiểu phương Tây có thể kể đến là công trình Nhà ở trên thác (Fallingwater) thiết kế bởi Frank Lloyd Wright. Biệt thự được thiết kế với mục đích nghỉ dưỡng cuối tuần của gia đình gia đình Kaufmann (1937-1963), được ca ngợi như một tác phẩm kiến trúc bất hủ, tuy rằng ít người quan tâm đến sự tương tác và cách thức KTS đáp ưng như cầu và mưo ước của chủ nhà. Tình yêu của ông Kasfmanns đối với thác nước Bear Run đã truyền cảm hứng cho kiến trúc sư Wright tưởng tượng ra một thiết kế khác với mong đợi về nơi ở mà ông Kasfmann nghĩ rằng mình có thể được ngắm nhìn và tận hưởng thác nước từ xa. Thay vào đó, ông Wright lại thiết kế đặt căn biệt thự trực tiếp lên trên thác nước. Đó là một động thái táo bạo cho phép gia đình ông Kaufmann không chỉ đơn giản là ngắm nhìn thiên nhiên, mà còn thực sự sống ở giữa thiên nhiên và ngay trên thác nước. Biệt thự được xây dựng là kết quả của sự trao đổi, hợp tác và đồng cảm về những ý tưởng và tình yêu thiên nhiên giữa KTS và chủ nhà. Trong những dịp cuối tuần, gia đình Kaufmann thường ở tại Biệt thự này để nghỉ ngơi và mời bạn bè ghé thăm để tham gia những buổi săn bắn ngoài rừng, tắm nước suối hay có những buổi tiệc ăn uống ngoài trời. Nếu so sánh ở các mức nhu cầu của con người, “ngôi nhà thứ hai” của gia đình Kaufmann đã chạm đến tầng thứ 3, đó là thể hiện được tính sáng tạo, tính văn hóa, cảm xúc và sự hoàn mỹ.

*ảnh*

Cảm hứng về tác phẩm biệt thự nghỉ dưỡng theo xu hướng phương Tây đã du nhập đến Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Tuy nhiên, với xu hướng “ngôi nhà thứ hai” tại Việt Nam còn mới đang hình thành gần đây, với kinh phí và quỹ đất khá hạn chế, rất khó để đòi hỏi những có được những tác phẩm hoàn mỹ như biệt thự Fallingwater. Mặc dù vậy, với cảnh quan tự nhiên ưu đãi, chất liệu văn hóa phong phú, chúng ta có thể mơ ước chất lượng ngôi nhà thứ hai cho người Việt vẫn có thể chạm đến tầng thứ ba về tính văn hóa và cảm xúc thông qua giải pháp riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Khác với ngôi nhà ở đô thị (ngôi nhà thứ nhất), biệt thự nghỉ dưỡng (ngôi nhà thứ hai) có thể loại bỏ được nhiều sự gò bó về các chức năng và ngôn ngữ thiết kế. Tuy cũng là một dạng công trình thuộc thể loại nhà ở, song khi tiếp cận nhiệm vụ thiết kế biệt nhu cầu thự nghỉ dưỡng cần có những yêu cầu khác biệt và phản ánh sự bổ sung hoàn thiện như cầu ở cảu cong người mà ngôi nhà ở đô thị không có được. “Ngôi nhà thứ hai” sẽ phải tạo ra giá trị cao cho chủ nhà không chỉ ở khái niệm vật chất, định giá tài sản mà quan trọng hơn là giải pháp công năng tối ưu có thể mang lại những giá trị tinh thần, xúc cảm mới mẻ, trở thành điểm hẹn cho mỗi thành viên “hào hứng” trở về vào mỗi dịp cuối tuần.

*ảnh*

Trên cơ sở đó, bài viết tổng hợp lại những yêu cầu và giải pháp cơ bản mà biệt thự nghỉ dưỡng cần phải đạt được:

1. Khai thác địa điểm – cảnh quan

Địa điểm và cảnh quan đã được mặc định là lý do chính cho việc đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần. Việc khai thác địa điểm và cảnh quan tuy nghe khá đơn giản, nhưng trong mỗi nền văn hóa và mỗi địa phương, mỗi gia đình và cá nhân, mỗi KTS đều có cách ứng xử khác nhau. Sự thành công của một giải pháp kiến trúc nghỉ dưỡng phụ thuộc rất nhiều về địa điểm, cảnh quan của công trình. Thủ pháp và lựa chọn thiết kế có thể đa dạng, nhưng công thức chung kiến trúc hài hòa và gắn liền với cảnh quan. Các không gian sinh hoạt chính bên trong thường được thiết kế linh hoạt để mở tầm nhìn, thông thoáng để mang thiên nhiên lại gần con người.

2. Giải pháp cho sự riêng tư và an toàn

Trong địa điểm rộng lớn của cảnh quan tự nhiên, giải pháp cho sự riêng tư và an toàn đôi lúc không dễ đạt được. Nếu các nguồn nhà ở đô thị cần có sự giao tiếp với đường phố và cộng đồng, ngược lại nhà ở nghỉ dưỡng cuối tuần thường cần đảm bảo sự ngăn cách về không gian, tầm nhìn, âm thanh với đường phố và xung quanh và mở với cảnh quan thiên nhiên. Khái niệm mặt tiền thực tế sẽ rất ít áp dụng với biệt thự nghỉ dưỡng. Mặt hậu không gian ngoài nhà chính (sân, bể bơi…) hướng cảnh quan chính thường lại trở thành mặt chính của công trình. Giải pháp cho sự riêng tư và an toàn vì vậy được thiết kế thân thiện, thông minh bằng giải pháp kiến trúc và công nghệ mới (camera, báo động và an ninh khu vực) thay cho giải pháp đóng kín của nhà ở đô thị.

3. Giải pháp khai thác yếu tố văn hóa Việt

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã khẳng định bản sắc văn hóa là kim chỉ nam cho kiên trúc nhà ở nói chung và kiến trúc biệt thự nghỉ dưỡng nói riêng. Biểu hiện bản sắc văn hóa trong kiến trúc nghỉ dưỡng được biểu đạt bằng phương thức khác nhau. Văn hóa có thể phản ánh qua vật chất (không gian cảnh quan, kiến trúc nội thất, tạo hình trang trí) và tinh thần (triết lý và lối sống, ý niệm, cảm xúc).

4. Khai thác cá tính không gian

Việc khai thác cá tính của không gian luôn là mục tiêu của mọi thiết kế kiến trúc nội thất và tồn tại trong cả 3 tầng nhu cầu về không gian ở. Sự thành công cao nhất của cá tính không gian sẽ là điểm mấu chốt trong sự thành công của dự án và hướng đến mức thỏa mãn tầng thứ ba về nhu cầu con người, về nơi ở. Cá tính của không gian bắt nguồn từ ước mơ và cá tính của gia chủ. Qua bàn tay, thủ pháp của KTS, ước mơ của gia chủ được chắt lọc, làm giàu và đẩy mạnh lên trong biểu đạt kiến trúc nội thất.

Xu hướng nhà ở cuối tuần sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai ở Việt Nam bởi những mặt lợi ích mà nó mang lại. Về khía cạnh kinh tế, việc phát triển nhà ở nghỉ dưỡng cuối tuần và dịch vụ nghỉ dưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về khía cạnh xã hội, mô hình nhà ở nghỉ dưỡng cuối tuần góp phần nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá văn hóa vùng miền.

Đặc biệt quan trọng đối với kiến trúc – nội thất, dạng dự án biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần sẽ có điều kiện thuận lợi để bộc lộ nhiều hơn những ngôn ngữ thiết kế sáng tạo, cá tính so với một không gian nhà ở thông thường. Hơn nữa, những “ngôi nhà thứ hai” này, do có sự gắn kết với yếu tố trải nghiệm, du lịch nên thường được đặt ở những vùng có tính đặc trưng rõ rệt về tính bản địa, văn hóa vùng miền. Việc khai thác bản sắc của loại hình công trình nhà ở nghỉ dưỡng cần có sự lưu tâm nghiên cứu để phù hợp với định hướng chung của Kiến trúc Việt Nam hiện nay.

TS.KTS Thiều Minh Tuấn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)